Độ đèn xe máy và những lưu ý nên biết

Độ đèn xe máy - những lưu ý cho giới trẻ Việt
Sử dụng đèn kém chất lượng, lắp đặt thiếu an toàn có thể khiến người dùng "tiền mất tật mang".
Giữa tháng 10/2017 sau chuyến chở khách vào bệnh viện Hòa Hảo, TP HCM, ông Phan Thanh Hồng (hơn 60 tuổi, Bình Dương) tìm đến một cửa hàng trên đường Minh Phụng, Quận 11 để thay bộ đèn LED cho chiếc Honda Future.

"Tôi chạy xe ôm có hai lần suýt tông người khác vì đèn đường yếu, kèm mắt kém của tuổi già. Sẵn chở khách lên thành phố, tôi tiện thể ghé thay đèn mới cho xe mà đứa cháu giới thiệu", bác Hồng cho biết.

Loại đèn của bác xe ôm dùng bóng LED với cường độ ánh sáng lớn hơn so với nguyên bản. Thời gian thực hiện khoảng 20 phút, chi phí 1,1 triệu đồng tính cả công lắp đặt.

Độ đèn xe máy không phải trào lưu mới trong giới chơi xe, đặc biệt các bạn trẻ. Thị trường gần đây xuất hiện nhiều loại đèn chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Giá thành từ vài trăm đến hàng triệu đồng. 

Bên cạnh kiểu độ đèn trang trí thủ công, đòi hỏi người thợ thực hiện việc chọn, nối dây, tạo vị trí để lắp đèn, thị trường có nhiều loại sản xuất riêng cho từng loại xe. Kích thước, tạo hình, dây điện nối kết vào nguồn điện của xe đều được sản xuất tương ứng. Người thợ chỉ việc tháo-lắp và thực hiện những điều chỉnh kỹ thuật khác để người sử dụng thao tác dễ dàng.




Tuy nhiên việc độ đèn mới cho xe máy cũng tiềm ẩn những rủi ro khi yếu tố kỹ thuật về điện áp, cách vận hành hệ thống điện là rào cản đối với phần lớn khách hàng.

"Nếu chỉ tháo-lắp đèn xe máy thì xem ra là việc dễ dàng, nhưng nếu chọn đèn có công suất không phù hợp với điện bình của xe, thợ thực hiện nối dây thiếu an toàn, đèn xe có thể không hoạt động đúng công suất, thậm chí gây cháy xe do chập điện vì các mối nối không đảm bảo kỹ thuật", anh Trọng Nghĩa, chủ một cửa hàng độ đèn xe tại TP HCM cho biết.

Theo anh Nghĩa, phần lớn khách hàng ít am hiểu về kỹ thuật điện. Nhiều người thay đèn mới chỉ để tăng cường độ ánh sáng, giúp việc quan sát tốt hơn khi đi trên đường. Số khác lại quan tâm đến việc làm đẹp. Nếu giao xe cho thợ có tay nghề, kinh nghiệm, đèn sử dụng hoạt động hết công suất và giúp việc lái xe an toàn hơn.

Nếu lấy điện từ bình ắc quy, khi thực hiện lắp mới hoặc độ thêm, người thợ cần nắm rõ công suất của bình ắc quy đủ khả năng cung cấp cho đèn lắp mới, đèn trợ sáng lắp thêm hay không?

Thêm trang bị đèn chiếu sáng đòi hỏi lượng điện áp lớn hơn. Nếu vượt công suất thiết kế ban đầu của xe nguyên bản, bộ phận phát điện, sạc cần độ lại để đáp ứng nguồn điện tăng lên khi sử dụng.

Đèn lắp mới nếu lấy điện từ bình ắc quy trữ điện không hoạt động hết công suất khi không đủ nguồn điện cung cấp. Nếu tiếp tục sử dụng, nguồn điện bình nhanh cạn, kéo theo còi, đèn xi-nhan, bộ phận khởi động bằng đề hoạt động không đúng thiết kế ban đầu. Tình trạng nặng hơn là hệ thống điện không thể hoạt động, xe chết máy tạm thời.

Một lưu ý khác khi độ đèn xe máy là dây điện cần sử dụng loại có vỏ dày, chất lượng tốt. Việc cọ xát giữa các dây (mát và lửa) trong quá trình sử dụng là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế rủi ro, dây điện cần các giắc cắm, mối nối chuyên dụng. Tránh trường hợp cắt, nối dây quá nhiều. Hiện tượng chập điện có thể gây cháy đèn, xe nếu không có cầu chì ngắt điện đề phòng sự cố.

Khi chọn đèn độ cho xe máy, người chơi xe cần tìm hiểu kỹ thông tin từ những thương hiệu và nơi thực hiện lắp đặt uy tín. Việc độ đèn chỉ nên tiến hành nếu cần thiết.




Đèn LED có cường độ chiếu sáng cao, người chơi xe cần hạn chế bật pha khi đi trong đô thị để tránh gây ảnh hưởng đến phương tiện ngược chiều. Sử dụng đèn trợ sáng khi đèn giao thông không đủ chiếu sáng, hoặc khi di chuyển ở những vùng rừng, núi vào ban đêm.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những điều bạn cần biết khi sử dụng khóa thông minh Smartkey NVX

Ưu điểm của khóa thông minh xe Janus

Smart key Exciter 150 chính hãng giá tốt nhất thị trường